Lượt xem: 1931

Tinh thần ngày 01-5 bất diệt!

Cùng với sự phát triển của xã hội, các công cụ, mục đích, quan hệ lao động… cũng có nhiều biến đổi, mà tất cả đều bị chi phối bởi yếu tố quan trọng là thời gian. Mỗi ngày được lao động trong một khoảng thời gian hợp lý, hiệu quả nhất, kết hợp lao động - học tập - giải trí - nghỉ ngơi hài hoà nhất… luôn là ước mơ ở khắp nơi trên thế giới, đánh dấu bằng sự hình thành, duy trì và tôn vinh Ngày Quốc tế Lao động 01-5.


Mít tinh quần chúng ngày 1/5/1938 tại Khu Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị) - Ảnh tư liệu

    Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848, Mác - Ăngghen đã kêu gọi “Vô sản thế giới liên hiệp lại” và thành lập tổ chức Liên minh những người cộng sản. Ngày 28-9-1864 Hội liên hiệp công nhân quốc tế (Quốc tế I) thành lập theo sáng kiến của Mác - Ăngghen. Quốc tế I đóng vai trò quyết định trong việc tổ chức lực lượng giai cấp công nhân quốc tế. Tháng 9 năm 1886, Đại hội lần thứ nhất Quốc tế I họp tại Giơnevơ xác định mục tiêu đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ là nhiệm vụ trước mắt. Tại hội nghị quốc tế họp ở Luân Đôn, Mác đã đưa ra dự thảo Nghị quyết đòi ngày làm việc 8 giờ.

    Ngày 01-5-1886, tại Chicago - Mỹ, hàng vạn công nhân đã bãi công, biểu tình để đòi cải thiện đời sống, chống lại sự bóc lột tàn nhẫn của chủ tư bản. Những lời kêu gọi lần đầu tiên được vang lên: “Từ hôm nay trở đi không một công nhân nào phải làm việc hơn 8 giờ một ngày”; “Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ học tập”. Gần 5.000 cuộc với khoảng 340.000 công nhân tham gia đã nổ ra trên toàn nước Mỹ. Cũng ngay hôm đó, ở Washington, New York, Baltimore, Boston... đã có 120.000 công nhân giành được quyền ngày chỉ làm 8 giờ. Tại Chicago, cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra hết sức ác liệt... Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận: “Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nghiệp đến như vậy”.


Ngày Quốc tế lao động 1/5/1960 tại Sài Gòn - Ảnh tư liệu

    Ngày 17-4-1889, Quốc tế II được thành lập ở Paris (Pháp) dưới sự lãnh đạo của Ph.Ăngghen và Đại hội lần thứ Nhất của Quốc tế II đã quyết định lấy ngày 01-5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động 01-5 trở thành ngày đấu tranh của giai cấp công nhân, ngày nghỉ ngơi và biểu dương lực lượng, ngày hội của công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

    Ở Việt Nam, có không ít những ngày 01-5 đáng nhớ. Trong đó, đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931 là cuộc biểu tình ngày 01-5-1930, có thể được xem như là ngày khai sinh cho cuộc liên minh công - nông ở Việt Nam. Vào ngày này, trên cả nước, người lao động đều tiến hành rầm rộ mít tinh, biểu tình với sự xuất hiện cờ đỏ búa liềm, truyền đơn đòi tăng lương, giảm giờ làm, bỏ lệ đánh công nhân, hoãn sưu thuế cho nông dân. Mặc dù cách xa hàng nghìn cây số, ba cuộc biểu tình của nông dân diễn ra ở Tiền Hải (Thái Bình), Bến Thủy (Nghệ An) và Chợ Mới (Long Xuyên) đều do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức. Chỉ trong một năm, trên 29 tỉnh Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ đã nổ ra 535 cuộc biểu tình của nông dân, có cuộc huy động bốn, năm trăm người, có cuộc huy động hai, ba chục nghìn người, ban đầu thì nhiều cuộc biểu tình êm thắm đưa yêu sách, về sau thì phần nhiều các cuộc biểu tình đều có đổ máu. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất trong thời kỳ này, một cuộc biểu dương hùng hậu sức mạnh đoàn kết của nhân dân lao động.


Sắc lệnh số 22-C/NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động 1/5 - Ảnh tư liệu

    Sau khi nước nhà được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22-C/NV/CC quy định những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó ghi nhận ngày 01-5 là một trong những ngày quốc lễ lớn, nhân dân lao động được nghỉ ngơi. Ngày 29-4, Bác ký Sắc lệnh số 56 quyết định để công nhân, nhân viên được nghỉ nhưng có hưởng lương đầy đủ trong Ngày Quốc tế lao động 01-5 và trong ngày đó, ai vì điều kiện khách quan của công việc không thể nghỉ được thì sẽ hưởng lương gấp đôi. Ngày 01-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Ở nước ta, lần này là lần đầu mà đồng bào ta, anh chị em lao động ta, được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5… Đối với chúng ta nó là một ngày để tỏ cho thế giới biết rằng ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà nó còn là ngày toàn dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.

    Từ đó đến nay, ngày Quốc tế lao động 01-5 đã trở thành ngày hội lớn của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động năm nay, trong bối cảnh nhân dân lao động toàn thế giới đứng trước thử thách, khó khăn của đại dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu, việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn,... Với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, chúng ta sẽ chiến thắng COVID-19, vượt khó vươn lên, bảo đảm sản xuất, đời sống, ổn định xã hội, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 6155
  • Trong tuần: 76,862
  • Tất cả: 11,800,182